Nếu một chấn thương hoặc phẫu thuật ở vùng chân chưa cho phép bạn đi đứng có chịu sức nặng của cơ thể thì bạn cần phải sử dụng nạng.
Nạng Gỗ
- Giúp cho người tập đi sau tai nạn, tai biến
- Giúp cho đi lại vững vàng hơn, có đế cao su chống trơn trượt.
- Có thể tùy chỉnh chiều cao của nạng theo chiều cao của từng người cho phù hợp.
(Giá nạng gỗ chỉ từ 60.000vnd/cái)
Tư thế đúng
– Khi bạn đứng thẳng, phần trên cùng của nạng phải cách hõm nách khoảng 3-4 cm.
– Tay nắm của nạng phải ở ngang mức phía trên khớp háng của bạn sao cho khi cầm nạng, khuỷu tay của bạn phải gấp được nhẹ.
– Để tránh gây tổn thương cho các thần kinh, mạch máu vùng nách, bạn cần dùng tay nâng đỡ trọng lượng cơ thể chứ không được tì nạng vào nách.
Đi với nạng
Nghiêng người về phía trước một chút và đặt hai nạng lên phía trước bạn khoảng chiều dài một bàn chân. Bắt đầu bước chân đau lên phía trước như thể bạn đang đi bằng chân này, nhưng thay vì dồn trọng lượng lên chân đau thì bạn dồn trọng lượng vào nạng tại chỗ tay nắm. Di chuyển thân mình từ từ về phía trước giữa hai nạng. Sau đó, bước tiếp chân lành ra trước. Khi chân lành tiếp đất, bạn đưa hai nạng về phía trước và cứ thế đi tiếp về phía trước. Bạn phải luôn nhìn về phía trước chứ không được nhìn xuống chân. Mức độ chịu sức nặng của chân đau tùy thuộc vào quá trình hồi phục của bạn và được quyết định bởi bác sĩ điều trị và kỹ thuật viên khoa Vật lý trị liệu. Trong nhiều trường hợp, có thể lúc đầu bạn sẽ được yêu cầu đi với nạng không chịu sức nặng chân đau, có nghĩa là khi đi chân đau sẽ phải co lên hoặc chỉ khẽ chạm nhẹ xuống mặt đất chứ hoàn toàn không được tì mạnh. Sau đó, khi bạn đã hồi phục khá hơn, bạn sẽ được phép đi với nạng có chịu sức nặng chân đau tăng dần cho đến khi có thể bỏ nạng và đi đứng bình thường.
Ngồi với nạng
Khi muốn ngồi xuống, bạn cần đứng quay lưng về phía ghế ngồi và cần đảm bảo rằng ghế ngồi chắc chắn và không bị trượt ra sau. Đưa chân đau của bạn ra trước, một tay giữ hai nạng, tay kia vịn ghế và kiểm tra độ chắc chắn của ghế. Khi cảm thấy ghế vững vàng, từ từ ngồi xuống ghế. Dựa hai nạng vào tường hay vào một cái bàn chắc chắn, quay đầu trên của nạng xuống dưới để nạng không bị đổ. Khi bạn muốn đứng lên: bạn quay lại các nạng rồi nhích người ra phía trước một chút và dùng tay phía bên chân lành để cầm các nạng, dùng nạng hỗ trợ để nhấc thân mình lên và dồn sức nặng cơ thể lên bàn chân lành để đứng lên bằng chân này. Chuyển một nạng sang phía chân đau và giữ thăng bằng qua các tay nắm của hai nạng.
Lên xuống cầu thang với nạng
Để lên xuống cầu thang với nạng, bạn cần phải là người có sức khỏe và có khả năng linh hoạt.
Lên cầu thang (Thứ tự di chuyển: chân lành, chân đau, nạng)
Đối với loại cầu thang có tay vịn: bạn đứng đối diện với cầu thang, tay phía bên chân lành giữ tay vịn cầu thang, tay phía bên chân đau kẹp hai nạng dưới nách. Sau đó bạn bước chân lành lên trước, chân đau lên sau, cuối cùng đưa hai nạng lên.
Đối với loại cầu thang không có tay vịn: bạn cần sử dụng cả hai nạng, mỗi nách một nạng. Bạn cũng bắt đầu bước lên với chân lành, sau đó đến chân đau và cuối cùng là hai nạng.
Xuống cầu thang (Thứ tự di chuyển: nạng, chân đau, chân lành)
Đối với loại cầu thang có tay vịn: bạn đứng hướng xuống dưới cầu thang, tay phía bên chân lành giữ tay vịn cầu thang, tay phía bên chân đau kẹp hai nạng dưới nách. Sau đó bạn đưa hai nạng xuống trước, rồi bước chân đau xuống và cuối cùng là chân lành.
Đối với loại cầu thang không có tay vịn: bạn cần sử dụng cả hai nạng, mỗi nách một nạng. Bạn cũng bắt đầu bằng cách đưa hai nạng xuống trước, sau đó bước chân đau xuống và chân lành bước xuống sau cùng.